Lịch sử hình thành

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: Ty Y tế Mỹ Tho bàn giao lại Bệnh xá (còn gọi là nhà thương thí) tọa lạc tại Phường 1, Thị xã Cai Lậy, ngày nay là nơi đặt bia kỷ niệm năm 1931 nơi treo cờ búa liềm để kỷ niệm 01 năm ngày thành lập Đảng.

Năm 1976 – 1978: sau khi tạm ổn định tình hình chung sau ngày miền Nam được giải phóng, chuẩn bị tiến tới thống nhất đất nước. Ty Y tế tỉnh Mỹ Tho bàn giao Bệnh xá cho Dân Y huyện quản lý.


Khi tiếp quản Bệnh xá, về cơ sở vật chất chí có 2 dãy nhà trệt, mái ngói đã xuống cấp do chế độ cũ xây dựng từ những năm 1950 của thế kỷ 20 trên diện tích khoảng 1.000m2. Về trang thiết bị y tế, thuốc men hầu như không có gì ngoài một số thuốc chữa bệnh thông thường, một ít dụng cụ sản khoa và khoảng 10 giường sắt đã rỉ sét. Đối với nhân viên y tế làm việc tại Bệnh xá trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 được lưu dụng lại khoàng 10 người nhưng chủ yếu là có trình độ sơ cấp, một ít có trình độ cán sự y tế (tương đương trung cấp điều dưỡng, trung cấp hộ sinh ngày nay). Trong khi đó, lực lượng Dân y của huyện Cai Lậy Nam, huyện Cai Lậy Bắc do cách mạng đào tạo, khi tiếp quản huyện Cai Lậy cũng không quá 50 đồng chí, trong đó không có bác sĩ mà chỉ có 9 – 10 y sĩ, 1 dược sĩ trung cấp còn lại là sơ cấp. Riêng Bệnh xá Cai Lậy được bổ trí khoảng 30 người có 4 – 5 y sĩ, còn lại là sơ cấp, Bệnh xá trưởng là Y sĩ Lý Văn Phải. Nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn này là chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân như sơ cấp cứu, khám chữa bệnh, đỡ đẻ thông thường, góp phần hỗ trợ nhân dân huyện nhà khai hoang, phục hóa ổn định cuộc sống sau chiến tranh.


Năm 1978 – 1981: là huyện điểm của Trung ương và tỉnh về cải tạo nông nghiệp nên ngành Y tế huyện nhà nói chung, Bệnh xá huyện Cai Lậy nói riêng đã được lãnh đạo các cấp tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, tăng cường lực lượng cán bộ để phục vụ sức khỏe nhân dân thời kỳ tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp.
+ Về cơ sở: xây dựng thêm 01 dãy nhà cấp 4, trang bị máy chụp Xquang, kính hiển vi. Chuyển Bệnh xá thành Bệnh viện Đa khoa huyện với khoản 60 giường, 10 bộ phận: Y vụ, Hành chánh quản trị, Tổ chức cán bộ, Khoa Cấp cứu, phòng Khám Ngoại chẩn, phòng Khám liên cơ (đối tượng khám bệnh là cán bộ, nhân viên Nhà nước), khoa Sản, khoa Nội – Ngoại – Nhi – Nhiễm, tổ Lao, tổ X quang – Xét nghiệm, khoa Dược, tổ Y học dân tộc.
+ Về cán bộ: Ty Y tế tăng cường có thời hạn 01 bác sĩ, 02 y sĩ, đến cuối năm 1979 được bổ sung thêm 02 y sĩ chuyên tu gần 10 y tá sơ cấp và 06 y sĩ chính quy mới ra trường, lực lượng y sĩ, y tá này là lực lượng được đào tạo đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất.


Do nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao, Bệnh viện đã tách khoa Nội – Ngoại – Nhi – Nhiễm để thành lập khoa Nội, khoa Ngoại, khoa Nhi, khoa Lây – Lao. Khoa Nội, khoa Nhi được bố trí tại khối nhà 1 trệt 3 lầu (thời điểm đó thường gọi là lầu Thanh Tuấn) tọa lạc tại đường 30/4 nay là trụ sở Đảng ủy – HĐND – UBND phường 1, thị xã Cai Lậy. Giai đoạn này Bệnh viện trưởng là Y sĩ Phạm Thanh Hải (Anh 2 Nghĩa).

Năm 1981 – 1988: Sau khi chuyển Bệnh xá lên thành Bệnh viện đa khoa huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ toàn diện đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương sau những năm đầu đổi mới đất nước. Những dấu ấn phát triển trong giai đoạn này là nguồn nhân lực được bổ sung tăng gấp 5 lần so với mới tiếp quản, với gần 140 người, đặc biệt có gần 20 bác sĩ và hơn 30 y sĩ hệ chính quy được tỉnh phân công về Bệnh viện. Đây là lực lượng nồng cốt trước và sau thành lập Bệnh viện đa khoa khu vực ngày nay.


Giai đoạn này Bệnh viện được bố trí từ 80 – 100 giường, hệ thống tổ chức gồm 3 phòng: Y vụ, phòng Hành chánh quản trị, phòng Tổ chức cán bộ; các khoa: Cấp cứu, Nội, Nhi, Sản – SĐKH, Ngoại, Lây, Lao, Dược, khu Khám đa khoa, các tổ: Xét nghiệm, X quang, Chống lao. Đặc biệt, từ năm 1983 các y sĩ của Bệnh viện đã trực tiếp phẫu thuật cấp cứu viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung vỡ sau khi được các bác sĩ bệnh viện tỉnh hỗ trợ. Cũng trong năm này tiến hành khởi công xây dựng mới bệnh viện thuộc khu phố 4, Thị trấn Cai Lậy nay là Phường 4, Thị xã Cai Lậy. Giai đoạn này bác sĩ Trần Công Trứ, Trưởng phòng Y tế kiêm Bệnh viện Trưởng, Bác sĩ Phan Thanh Tùng, Phó phòng Y tế phụ trách điều trị.


Năm 1988 – 1994: Sau gần 4 năm xây dựng, đến cuối năm 1987 Bệnh viện đã di dời toàn bộ các khoa, phòng của Bệnh viện về cơ sở mới. Năm 1988 theo chủ trương của Bộ Y tế sáp nhập 4 đơn vị: Ban Y tế - Thể dục thể thao, Bệnh viện Đa khoa huyện, Đội vệ sinh phòng dịch, Đội Sinh đẽ kế hoạch thành Trung tâm Y tế với 3 chức năng: quản lý Nhà nước về công tác Y tế, tổ chức khám chữa bệnh và thực hiện công tác phòng, chống dịch … Hệ bệnh viện được phân bổ 11 giường kế hoạch.

Trung tâm y tế có các bộ phận trực thuộc sau:
+ 4 phòng chức năng: phòng Y vụ, phòng Tài chính, phòng Hành chánh quản trị, phòng Tổ chức cán bộ
+ 8 khoa lâm sàng: khoa Cấp cứu, khoa Nội A, khoa Nội B, khoa Nhi, khoa Sản, khoa Ngoại, khoa Lây, khoa Lao.
+ 6 khoa cận lâm sàng: khu Khám đa khoa, khoa Xét nghiệm, khoa X quang, khoa Dược, Tổ Liên chuyên khoa, Đội Sinh đẽ kế hoạch.


 Tuyến cơ sở:
+ 03 phòng khám khu vực.
+ 29 trạm y tế xã – thị trấn.

Giám đốc Trung tâm Y tế khi mới thành lập là Bác sĩ Trần Công Trứ, đến năm 1991 – 1994 bác sĩ Phan Thanh Tùng làm Giám đốc.


Từ năm 1994 – 2005: Với địa bàn rộng, dân số đông, khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, trên cơ sở đó UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1381/QĐ-UB ngày 03/12/1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tách Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy và chuyển Bệnh viện đa khoa Cai Lậy lên Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy trực thuộc Sở Y tế Tiền Giang và khi mới thành lập Bệnh viện khu vực được xếp hạng III, phân bổ 110 giường kế hoạch và 122 biên chế bao gồm: Bác sĩ: 33, dược sĩ trung học: 2, trung học: 46, sơ học: 25, nhân viên khác 16. Cơ cấu tổ chức gồm:
+ 3 phòng chức năng: phòng Y vụ, phòng Tổ chức cán bộ, phòng Kế toán tài vụ.
+ 6 khoa lâm sàng: khoa Cấp cứu, khoa Nội, khoa Ngoại, khoa Sản, khoa Nhi, khoa Lây.
+ Khối cân lâm sàng: khoa Dược, khoa Xét nghiệm, khoa X quang – siêu âm điện tim.
+ Các bộ phận khác: khu Khám đa khoa, tổ Liên chuyên khoa, tổ Mắt, tổ Da liễu, tổ Tâm thần, Tổ Giám định y khoa. Chức năng nhiệm vụ chủ yếu là khám chữa bệnh và chỉ đạo tuyến trên địa bàn 03 huyện phía Tây của tỉnh, từ năm 2003 bệnh viện được nâng từ hạng III lên hạng II, biên chế tăng lên từ 122 lên 184, giường bệnh tăng từ 110 lên 180, đến năm 1997 – 2002 thành lập thêm phòng Điều dưỡng, khoa Dinh dưỡng, khoa Chống nhiễm khuẩn (hiện nay là khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn), khoa Y học cổ truyền.

Năm 2005 – 2010: giai đoạn này là giai đoạn chuyển tiếp từ năm 1994, chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu như cơ sở được nâng cấp và mở rộng, nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến được bổ sung như siêu âm màu, CT, Scanner, xét nghiệm 18 thông số, số lượng cán bộ, viên chức được nâng từ 184 biên chế (2005) lên 255 (2006), 325 (2008), 455 (2010), trình độ cán bộ cũng được nâng lên đáng kể cụ thể: tổng số cán bộ, viên chức hiên có: 339, trong đó bác sĩ: 49 (BSCKII: 03, BSCKI: 21, Ths BS: 03), dược sĩ đại học: 03, cử nhân điều dưỡng: 06, đại học khác: 15, khác: 266, giường bệnh theo kế hoạch cũng được tăng từ 180 lên 250 giường (2006) và 350 (2010). Đứng đầu đơn vị thời kỳ này là Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Linh.

Năm 2010 – 2015: điểm nổi bật giai đoạn này ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ người bệnh mà còn tập trung tranh thủ với Sở Y tế đầu tư kinh phí để mở rộng và xây mới khu điều trị nội trú với quy mô 110 giường bệnh, thành lập thêm 02 khoa: Nội Tim mạch – Lão học và khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, nâng tổng số khoa, phòng lên 20. Sau khi đưa cơ sở mới vào hoạt động (đầu quý IV/2014) đã chấm dứt tình trạng để người bệnh nằm hành lang và nằm giường đôi. Đối với nguồn nhân lực cũng được nâng lên đáng kể cả về số lượng và chất lượng cụ thể: cán bộ, viên chức từ 339 tăng lên 419 trong đó: bác sĩ 55 (BSCKII: 03, BSCKI: 17, ThSĩBS: 04), dược sĩ đại học: 08, điều dưỡng  chuyên khoa I: 02, Thạc sĩ điều dưỡng: 01, củ nhân điều dưỡng: 30, đại học khác: 28, điều dưỡng - kỹ thuật viên - nữ hộ sinh: 190, khác: 105, riêng giường bệnh được nâng lên từ 350 lên 430 giường kể từ đầu năm 2015. Các máy móc, thiết bị y tế được bổ sung, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng như nội soi dạ dày, nội soi tá tràng; mổ trĩ bằng phương pháp longo, tán sỏi đường niệu ngoài cơ thể. Đứng đầu Bệnh viện hiện là BSCKII Nguyễn Văn Ngưu.


Qua 40 năm hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của đất nước, từ Bệnh xá lên Bệnh viện huyện thuộc phòng Y tế, từ Bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện đến Bệnh viện Đa khoa khu vực trực thuộc Sở Y tế như hiện nay, các lãnh đạo và đội ngũ thầy thuốc qua các giai đoạn luôn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đất nước.

Thành tích khen thưởng
- Về tập thể:
    01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2003
    01 Huân Chương Lao động hạng ba năm 2006
    01 Huân chương Lao động hạnh nhì năm 2013
    30 Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Y tế và UBND tỉnh
    04 năm liền được Công đoàn Y tế Việt Nam tặng cờ Bệnh viện xuất sắc toàn diện (2001-2004)
- Về cá nhân:
    Đạt danh hiệu Thầy thuốc ưu tú: 03
    Huân chương Lao động hạng ba: 01
    Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 01
    Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở: 121
    Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”: 86

Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sẵn sàng phục vụ nhân dân, thời gian tới toàn thể thầy thuốc, nhân viên bệnh viện ra sức học tập nâng cao tay nghề, rèn luyện Y đức, quyết tâm “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” theo chủ trương của Bộ Y tế. Chuyển từ “ban ơn sang phục vụ”, xem người bệnh là đối tượng, là khách hàng “đặc biệt” của bệnh viện. Đây là lời cam kết bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, bằng lương tâm của cán bộ lãnh đạo, đội ngũ thầy thuốc và nhân viên bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy, lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo hiệu quả hoạt động, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của nhân dân trong khu vực.