TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Ngày tạo 27/05/2025

 -  15 Lượt xem

TUYÊN TRUYỀN

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

 

Cháy nổ là hiểm họa, phòng ngừa là trách nhiệm!

An toàn PCCC – Trách nhiệm của mọi nhà!

Bảo vệ tính mạng, tài sản bằng hành động PCCC!

Hỏa hoạn không báo trước, hãy chủ động phòng ngừa!”

          Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là đã bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. 

Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số nơi, đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC nên đã xảy ra các vụ cháy, nổ và không được kiểm soát kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là có thể để xảy ra cháy. 

Nguyên nhân của các vụ cháy, nổ chủ yếu là do sự cố về điện, thiết bị điện, sự bất cẩn, chủ quan của người dân về công tác PCCC; việc tuân thủ các quy định về an toàn PCCC của một bộ phận nhân dân chưa nghiêm, chưa thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, chưa giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn nhiệt, nguồn điện... không lắp đặt, trang bị hoặc không bảo trì, bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác…dẫn đến các sự cố cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản; kỹ năng thoát nạn của người dân còn hạn chế.

Bệnh viện là nơi tập trung đông người, có nguy cơ cháy nổ cao do có nhiều loại dễ cháy như: cồn y tế, khí hóa lỏng, đồ vải bệnh nhân, thiết bị sử dụng điện,… nên một khi xảy ra cháy có thể gây ra cháy lan sang các khu vực xung quanh, sẽ có nhiều thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra; giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy thiệt hại về tính mạng, tài sản cho mọi người, mọi gia đình và cho các cơ quan, đơn vị. Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy khuyến nghị mỗi công dân tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và đồng thời tuân thủ thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn PCCC tại nơi sinh sống và làm việc cụ thể như sau:

1. Thường xuyên kiểm tra kho, bãi, nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

2. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng.

4. Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m; khi thắp hương, đèn phải có người trông coi.

5. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết.

6. Có thể tự trang bị bình chữa cháy gia đình và biết cách sử dụng, đảm bảo chữa cháy tốt, hiệu quả khi xảy ra sự cố.

7. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.

8. Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, thay thế đường dây dẫn điện đã cũ, hỏng; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, Rơ le, Aptomat … cho từng khu vực.

9. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra.

10. Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114, đồng thời sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay tại thời điểm ban đầu.

11. Đặc biệt đối với các cơ quan đơn vị phải có Quy định, Nội quy, Biển cấm, Biển báo, Sơ đồ hoặc Biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở; có hệ thống giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy và trang bị đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ phù hợp với yêu cầu chữa cháy của từng khu vực, thiết bị cứu người; hướng dẫn viên chức, người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị PCCC.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy mỗi công dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà./.