Khoa Dược

KHOA DƯỢC


Địa chỉ: tầng trệt - tòa nhà số 9

Số điện thoại: 02733.916.717– 093 9596 576

Email: kd.bvdkkvcailay@gmail.com

Trưởng khoa: DS. CKI Trần Thị Lệ Hằng, SĐT: 0919 141 886

1. Lịch sử hình thành và tổ chức nhân sự:

 

1.1. Lịch sử hình thành:

   Khoa Dược được thành lập cùng với sự ra đời của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy. Tổ chức của Khoa Dược bao gồm các bộ phận chuyên trách, kết nối chặt chẽ và phối hợp đồng bộ với nhau như Nhà thuốc Bệnh viện, Dược lâm sàng -Thông tin thuốc, Nghiệp vụ Dược, Hệ thống kho, Thống kê dược

- Năm 2012 khoa Dược đạt được thành tích vượt bậc trong công tác quản lý thuốc bằng phần mềm eHospital đảm bảo số liệu - báo cáo thống kê chính xác, công tác dự trù, dự báo dựa trên phần mềm, theo dõi xuất nhập thuốc đã thay thế sổ sách.

- Năm 2012 Nhà thuốc Bệnh viện được công nhận đạt chuẩn GPP – thực hành tốt nhà thuốc.

- Năm 2015, Công tác Dược lâm sàng bắt đầu đi vào hoạt động, giám sát công tác sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả trong bệnh viện.

- Năm 2017, Công tác Dược lâm sàng, thông tin thuốc, theo dõi và báo cáo phản ứng có hại của thuốc hoạt động có chất lượng, hỗ trợ cho công tác điều trị của bác sĩ cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn hiệu quả cho bệnh nhân. Giám sát 100% đơn thuốc BHYT ngoại trú trước khi cấp phát. Giám sát bệnh án các khoa lâm sàng, kịp thời tham mưu Hội đồng thuốc và điều trị, Giám đốc bệnh viện về công tác sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

- Năm 2019, Kho bảo quản thuốc, vắc xin đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” GSP đối với cơ sở có hoạt động dược không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế theo Công văn số 2396/SYT-NVD ngày 01/7/2019.

- Năm 2022 thành lập phòng Vật tư-trang thiết bị y tế tách riêng khỏi khoa Dược.

1.2. Tổ chức nhân sự: gồm 30 thành viên trong đó

- Dược sĩ Chuyên khoa I: 05

- Dược sĩ Đại học: 19

- Dược sĩ Cao đẳng: 06

 

                                                                        

         Tập thể Khoa Dược

 

2. Chức năng, nhiệm vụ:

- Tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện.

- Lập kế hoạch, cung ứng và đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn có chất lượng kịp thời phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị, khám chữa bệnh và các yêu cầu chữa bệnh khác (phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa).

- Quản lý, theo dõi nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn của các khoa phòng tại bệnh viện cũng như việc nhập thuốc, cấp phát thuốc nội trú và bảo hiểm ngoại trú hàng ngày, cấp phát hóa chất và vật tư y tế cho các khoa lâm sàng, cận lâm sàng 3 lần/tuần

- Thực hiện việc ra lẻ thuốc cho từng người bệnh nằm viện nội trú mỗi ngày.

- Thực hiện kiểm kê định kỳ hàng tháng các thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn tại khoa dược và hàng quý tại các khoa cận lâm sàng.

-  Bảo quản thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn đúng các quy chế chuyên môn.

- Quản lý, theo dõi việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện.

- Pha hóa chất sát khuẩn theo yêu cầu sử dụng trong bệnh viện.

- Tham mưu, triển khai các hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị.

- Thực hiện công tác dược lâm sàng, tham gia hội chẩn khi được yêu cầu, thông tin, tư vấn về sử dụng thuốc, tham gia bình bệnh án trong các buổi họp Hội đồng thuốc và điều trị, tham gia công tác cảnh giác dược, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc (ADR).

- Thực hiện tốt công tác tham mưu Danh mục thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn đề nghị đấu thầu hàng năm sử dụng tại bệnh viện.

- Tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia chỉ đạo tuyến khi có yêu cầu.

- Quản lý hoạt động của Nhà thuốc bệnh viện theo đúng quy định.

3. Cơ sở vật chất, trang thiết bị:

- Khoa Dược được bố trí tại tầng trệt tòa nhà số 9 của bệnh viện, được chia làm 3 khu vực chính: Khu vực hành chính (Lãnh đạo khoa, Nghiệp vụ dược, Thống kê dược, Dược lâm sàng-Thông tin thuốc); Khu vực cấp phát (Kho thuốc nội trú, Kho thuốc ngoại trú, Kho Vắc xin); Nhà thuốc bệnh viện.

-  Để đảm bảo các điều kiện bảo quản thuốc đúng theo nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”, các kho thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn, vắc xin được trang bị các phương tiện, thiết bị như: phần mềm quản lý eHospital, máy điều hòa không khí, tủ lạnh, nhiệt kế, ẩm kế theo dõi nhiệt độ kho bảo quản tự ghi cảnh báo qua điện thoại, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ tủ lạnh tự ghi cảnh báo qua điện thoại, tủ, giá kệ, …

- Sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giúp Khoa Dược đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, cũng như hỗ trợ trong công tác tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và cung cấp thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc tận tình tới từng người bệnh.

4. Những điểm nổi bật:

- Qua nhiều năm hoạt động và phát triển, khoa Dược đã hoàn thành tốt vai trò đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn đạt chất lượng, phục vụ kịp thời cho công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời đảm bảo công tác quản lý xuất nhập thuốc, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn-khử khuẩn theo đúng quy định hiện hành.

- Được sự quan tâm và ủng hộ của Ban Giám đốc Bệnh viện, khoa Dược đã từng bước đẩy mạnh triển khai hoạt động của Dược lâm sàng theo Nghị định 131/2020/NĐ-CP, bao gồm các hoạt động:

+ Chịu trách nhiệm về thông tin thuốc trong bệnh viện. Nội dung thông tin là cập nhật thông tin các thuốc mới, thông tin về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tương tác thuốc...thông tin Cảnh giác dược, đầu mối truyền thông các điểm tin nổi bật cần chú ý với nhiều hình thức khác nhau:  trực tiếp trao đổi, thông tin trên giao ban Bệnh viện, mạng xã hội như kênh Zalo BV, qua mạng nội bộ, qua văn phòng điện tử. Tương lai sẽ thông qua Website bệnh viện để thông tin được bao phủ đến nhiều nhân viên y tế và cộng đồng.

+ Triển khai mạng lưới theo dõi, giám sát, báo cáo tác dụng không mong muốn của thuốc và công tác cảnh giác dược: đầu mối tổng hợp báo cáo ADR gửi đến Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc

+ Tham gia theo dõi, kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc nội trú và ngoại trú nhằm đẩy mạnh việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả:

  • Ngoại trú: bộ phận DLS và kho phối hợp kiểm soát 100% đơn ngoại trú BHYT.
  • Nội trú: các ngày làm việc trong tuần, đều có dược sĩ công tác dược lâm sàng đi đến các khoa để xem xét thuốc được kê đơn hoặc y lệnh trong hồ sơ bệnh án.

+ Hằng năm, bộ phận Dược lâm sàng và thông tin thuốc là đầu mối biên soạn, phát hành các văn bản hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn hợp lý, hiệu quả:

  • Danh mục tương tác thuốc, chống chỉ định trong thực hành lâm sàng tại Bệnh viện theo Quyết định 5948/QĐ-BYT.
  • Danh mục thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau (LASA).
  • Danh mục thuốc không được nghiền, nhai, bẻ, tách đôi.
  • Ít nhất 02 bản tin thông tin thuốc dược lâm sàng cập nhật các thông tin thuốc nổi bật.
  • Văn bản hướng dẫn tiêm, truyền một số kháng sinh hiện có tại bệnh viện.

5. Định hướng phát triển:

- Cập nhật thường xuyên các kiến thức y dược học mới, xây dựng hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy trình chuẩn cho các hoạt động chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tế của bệnh viện.

- Thường xuyên tổ chức, tập huấn, thông tin cho các cán bộ y tế trong bệnh viện về hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng thuốc.

- Tham gia nghiên cứu khoa học, tiến hành nghiên cứu phân tích, đánh giá sử dụng thuốc, đánh giá chi phí – điều trị của người bệnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, giảm chi phí dùng thuốc của bệnh viện.

- Thường xuyên tập huấn cập nhật cho nhân viên trong khoa về kiến thức y dược học, sử dụng thành thạo phần mềm quản lý chung của bệnh viện cũng như các công tác chuyên môn nhằm nâng cao trình độ, tăng tính chuyên nghiệp trong công việc.

- Cập nhật, đào tạo, hướng dẫn công tác đấu thầu thuốc, nâng cao năng lực của viên chức chuyên trách về công tác đấu thầu, dự trù thuốc. Đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ thuốc theo danh mục đã được xây dựng.