Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám chữa bệnh, quản lý, điều hành các hoạt động của bệnh viện là một trong những biện pháp góp phần đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh; tăng hiệu quả trong công tác quản lý.
Trong công tác khám chữa bệnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh giúp đơn giản hoá các loại giấy tờ, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Người bệnh khi đến khám chỉ cần mang theo Căn cước công dân gắn chíp (CCCD) hoặc sử dụng ứng dụng VneID trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Khi đăng ký khám chữa bệnh, người dân chỉ cần bấm số thứ tự và chờ đến lượt. Đồng thời việc liên thông dữ liệu trong khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế giúp cung cấp các thông tin bệnh nhân, tra cứu thẻ Bảo hiểm y tế, lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh và quản lý thông tuyến hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp tự động hóa các phương tiện chẩn đoán và điều trị máy xét nghiệm tự động hóa, chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm 3D, 4D…giúp cho việc chẩn đoán điều trị bệnh được nhanh chóng - chính xác, hiệu quả. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin giúp việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh dễ dàng hơn, người bệnh có thể thanh toán không dùng tiền mặt giảm thiểu rủi ro khi giao dịch tiền mặt.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên hệ thống văn phòng điện tử. Đơn vị áp dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, việc tiếp nhận và xử lý các văn bản thực hiện trực tiếp trên hệ thông phần mềm, triển khai kịp thời các văn bản, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp trên phần mềm đến từng khoa, phòng. Việc quản lý văn bản và điều hành văn bản trên hệ thống điện tử đem lại lợi ích và hiệu quả rõ nét: nâng cao công tác quản lý, điều hành và giám sát công việc trong lãnh đạo; nâng cao công tác cải cách hành chính; tiết kiệm kinh phí cho photocopy; tiết kiệm thời gian cho từng vị trí công tác; phục vụ công tác thống kê về nội dung, số lượng văn bản.
Trong công tác đào tạo, tập huấn và nghiên cứu khoa học, việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện cho viên chức, người lao động có thể tham gia các buổi tập huấn, chương trình đào tạo trực tuyến với các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến trung ương; tham gia các buổi học tập nghị quyết, học tập chuyên đề qua ứng dụng zoom. Việc học tập tại chỗ giúp cho viên chức, người lao động giảm chi phí đi lại, chủ động trong việc lựa chọn thời gian học tập phù hợp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của bệnh viện, nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh; tăng hiệu quả trong công tác quản lý góp phần đơn giản hoá các thủ tục hành chính từ đó tăng tỷ lệ hài lòng cho người dân khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện./.