Kỷ luật, kỷ cương hành chính là những yêu cầu về tính trách nhiệm đặt ra đối với đội ngũ viên chức, người lao động trong khi thi hành nhiệm vụ trên mỗi vị trí công tác.
Thời gian qua, việc chấp hành kỷ luật, kỷ lương hành chính, trách nhiệm trong xử lý công việc của đội ngũ viên chức người lao động bệnh viện luôn được Ban Giám đốc quan tâm quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Bệnh viện đã ban hành các văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc. Nội dung tập trung vào một số vấn đề cốt lõi như sau:
1. Đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo khoa, phòng
Trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của khoa phòng quản lý, không chờ xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc. Lãnh đạo khoa phòng chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ. Gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; chịu trách nhiệm nếu để cấp dưới do mình quản lý, phụ trách xảy ra vi phạm. Trong phân công nhiệm vụ cho viên chức, người lao động thuộc quyền phải có kiểm tra, giám sát theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành”. Xây dựng mối đoàn kết nội bộ, chủ động phối hợp với các khoa phòng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ để xử lý kịp thời, hiệu quả những công việc được phân công.
2. Các khoa phòng rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các khoa phòng theo đúng quy định, bố trí viên chức theo đúng vị trí việc làm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, bảo đảm các công việc khoa phòng phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Trong quá trình phối hợp để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chỉ lấy ý kiến các khoa phòng có liên quan trực tiếp đến nội dung, không lấy ý kiến phối hợp của khoa phòng không liên quan hoặc không cần thiết. Khoa phòng được lấy ý kiến có trách nhiệm phản hồi đúng hạn, chính kiến rõ ràng, không trả lời chung chung nhằm né tránh trách nhiệm.
3. Lãnh đạo khoa, phòng quán triệt cho viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế cơ quan, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
4. Viên chức, người lao động luôn luôn rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ, nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; thực hiện đúng và đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi nhiệm vụ; ý thức tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc, tập trung nghiên cứu, tham mưu giải quyết dứt điểm công việc đảm bảo chất lượng và thời gian quy định.
Tăng cường việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm trong xử lý công việc là việc làm thường xuyên, đòi hỏi sự tham gia tích cực của đội ngũ viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân. Từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá công sở của toàn thể viên chức, người lao động góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bệnh viện hướng tới sự hài lòng của người bệnh./.